Sâu răng tuy là bệnh nhẹ nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời dễ xảy ra hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ. Vì sao bị sâu răng? Tác nhân này đến từ đâu? Có những cách điều trị nào hiệu quả nhất? Dưới đây bác sĩ sẽ tư vấn đầy đủ thông tin để mọi người hiểu rõ nhé.
Mục lục
- Bệnh sâu răng là gì?
- Vì sao bị sâu răng?
- Các triệu chứng bị sâu răng điển hình nhất
- Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của bệnh sâu răng
- Đánh giá các yếu tố dễ gây sâu răng nhất
- Các biến chứng của bệnh sâu răng
- Điều trị sâu răng tại nhà bằng mẹo dân gian
- Điều trị sâu răng tại nha khoa
- Mách bạn cách phòng ngừa sâu răng tốt nhất
- Bị sâu răng: Khi nào cần gặp nha sĩ?
Bệnh sâu răng là gì?
Bệnh sâu răng là tình trạng bị tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình huỷ khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng, sau đó hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Sự kết hợp của nhiều yếu tố như vi khuẩn, ăn vặt thường xuyên, đồ uống có đường, vệ sinh răng miệng kém đã dần làm cho men răng bị huỷ hoại. Sâu răng được coi là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất trên thế giới ở cả trẻ em và người lớn.
Nếu không điều trị dứt điểm từ sớm, sâu răng có thể ảnh hưởng sâu hơn đến các lớp bên trong. Chúng dẫn tới các cơn đau, nhiễm trùng nghiêm trọng và mất răng.
Vì sao bị sâu răng?
Nhiều người thắc mắc vì sao lại bị sâu răng. Thực chất đây là một quá trình kéo dài theo thời gian do vi khuẩn phát triển.
Trước tiên, mảng bám xuất hiện được biết đến là một màng dính bao phủ răng do ăn nhiều đường, tinh bột không được làm sạch. Khi đó, vi khuẩn bắt đầu ăn chung tạo thành các mảng bám khác nhau. Mảng bám này có thể cứng lại dưới hoặc trên đường viền nướu lâu dần chính là cao răng hay vôi răng. Như vậy việc loại bỏ sẽ khó khăn hơn và tạo thành một lá chắn cho vi khuẩn.
Những axit trong mảng bám loại bỏ khoáng chất trong men răng gây ra các lỗ nhỏ li ti. Đây là giai đoạn đầu của men răng. Sau khi men răng bị bào mòn, vi khuẩn, axit tiếp tục phát triển và tấn công vào lớp răng tiếp theo gọi là ngà răng. Lớp này mềm hơn men và ít kháng axit. Ngà răng còn có nhiều ống nhỏ tiếp xúc trực tiếp với dây thần kinh của răng nên sẽ nhạy cảm khi bạn ăn uống đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
Sâu răng phát triển mạnh mẽ hơn, vi khuẩn và axit di chuyển vào bên trong tuỷ chứa hệ thống dây thần kinh, mạch máu. Buồng tuỷ bị sưng, bị kích thích bởi vi khuẩn, dây thần kinh chèn ép làm cho mọi người cảm thấy đau nhức.
Các triệu chứng bị sâu răng điển hình nhất
Triệu chứng hay các dấu hiệu nhận biết của sâu răng khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ và vị trí của chúng. Khi sâu răng mới bắt đầu, bạn hầu như không thấy có bất kỳ điều gì khác thường. Đến khi sâu răng nặng hơn thì mới xuất hiện các biểu hiện dưới đây:
– Răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh.
– Răng bị đau tự phát hoặc đau xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng.
– Bạn soi gương có thể thấy một vài lỗ hổng trên răng nếu ở vị trí dễ nhìn thấy.
– Nhìn thấy màu nâu, đen hoặc trắng trên bất kỳ bề mặt nào của răng.
– Có thể bị sưng nướu, sưng chân răng ở mức độ khác nhau.
Tìm hiểu các giai đoạn phát triển của bệnh sâu răng
Như đã chia sẻ ở trên, sâu răng không tự nhiên sinh ra mà trải qua các giai đoạn khác nhau. Chỉ cần bạn lưu ý kỹ sẽ biết tình trạng của mình đang ở thời điểm nào.
– Giai đoạn 1
Giai đoạn đầu tiên của sâu răng là khi răng tiếp xúc với lượng lớn axit do vi khuẩn mảng bám gây ra. Khi mảng bám trên răng không được làm sạch, bề mặt răng dần mất đi các khoáng chất. Biểu hiện sâu răng ở đây là những đốm trắng nhỏ trên răng.
– Giai đoạn 2
Giai đoạn tiếp theo là quá trình phá vỡ men răng. Những đốm trắng trên răng do mất khoáng sẽ dần chuyển sang màu nâu. Đây là dấu hiệu cho thấy lượng khoáng chất và men răng bị mất nhiều hơn. Điều này chứng tỏ men răng của bạn đang dần suy yếu.
– Giai đoạn 3
Sau khi phá huỷ men răng, vi khuẩn xâm nhập vào ngà răng. Ngà răng mềm hơn nên cũng trở nên nhạy cảm hơn. Dưới tác động của axit do vi khuẩn mảng bám gây ra, ngà răng bị phân huỷ nhanh. Ngà răng là nơi chứacác ống dẫn đến các dây thần kinh của răng nên khi chúng bị phân hủy, bạn sẽ cảm giác ê buốt, đau nhức nhẹ.
– Giai đoạn 4
Thời điểm này, ngà răng phân huỷ hoàn toàn sẽ để lộ phần tuỷ trong cùng của răng. Các dây thần kinh quan trọng và mạch máu đều nằm trong tuỷ. Người bệnh bị kích ứng nhiều hơn, sưng tấy, tăng độ nhạy cảm và đau vùng răng bị sâu. Nếu điều trị kịp thời thì nhanh khỏi bệnh, còn ngược lại có thể phải lấy tuỷ hoặc nhổ răng sâu.
– Giai đoạn 5
Giai đoạn này cũng là sâu răng nặng nhất vì tuỷ bị tổn thương nghiêm trọng. Vi khuẩn lây lan và nhân lên bên trong răng, gần các mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến tình trạng viêm tuỷ nghiêm trọng và áp xe răng.
Xem thêm: Răng sâu chết tủy nên nhổ hay bọc sứ?
Đánh giá các yếu tố dễ gây sâu răng nhất
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh sâu răng và bạn nên tìm hiểu kỹ để tìm cách phòng tránh càng sớm càng tốt.
– Men răng
Theo nghiên cứu, khoảng 97% men răng được cấu thành từ Hydroxyapatite- dạng khoáng hóa của canxi photphat. Chúng làm cho men răng trở thành vật liệu cứng nhất trong cơ thể, thậm chí còn cứng hơn cả xương. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố làm cho lớp men cứng này dần bị ăn mòn theo thời gian.
Bị mất men răng là nguyên nhân hàng đầu gây ê buốt, cuối cùng dẫn đến sâu răng. Những yếu tố khiến bạn bị mất men răng phải kể đến: quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể, thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng kém, bệnh liên quan như trào ngược dạ dày,…
Giải đáp chi tiết: Men răng là gì? Có vai trò thế nào đối với sức khỏe răng miệng?
– Hình dáng và vị trí của răng
Hình dáng của răng (hình thể răng) có nhiều vết lồi lõm, các khe rãnh cũng làm cho việc đánh răng gặp khó khăn. Đặc biệt răng hàm, răng tiền hàm với nhiều hố, khe nứt lại trở thành điều kiện thuận lợi cho mẩu thức ăn thừa mắc lại, thu hút vi khuẩn. Ngoài ra vì nằm ở vị trí sâu khuất nên những chiếc răng này thường bị sâu hoặc gặp các vấn đề khác.
– Điều tiết nước bọt
Nước bọt trong khoang miệng có công dụng rửa sạch thức ăn, mảng bám trên răng. Một số chất được tìm thấy trong nước bọt giúp chống lại axit do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị, xạ trị, hoá trị,… có thể làm tăng nguy cơ sâu răng khi làm giảm tiết nước bọt.
– Chế độ dinh dưỡng
Các thực phẩm chứa nhiều đường, thực phẩm dễ bám vào răng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng ở cả trẻ em và người lớn. Điển hình là sữa ngọt, mật ong, bánh kẹo, bánh quy, kẹo cứng, trái cây sấy khô, ngũ cốc khô, khoai tây chiên,…
Thường xuyên ăn vặt, ăn nhẹ, nhâm nhi đồ uống có đường sẽ cung cấp cho vi khuẩn nhiều nhiên liệu để tạo ra axit tấn công và làm mòn men răng. Hay việc dùng soda, đồ uống có tính axit khác cũng dễ bào mòn các lớp men bên ngoài.
Với trẻ em, đặc biệt trước khi đi ngủ còn uống sữa, nước trái cây,… mà không vệ sinh răng miệng sạch sẽ thì chất ngọt lưu lại trong nhiều giờ chính là nguồn dưỡng chất nuôi vi khuẩn.
Phụ huynh quan tâm: Phải làm sao khi bé 5 tuổi bị sâu răng hàm?
– Ợ nóng
Ợ nóng hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến axit dạ dày trào ngược vào miệng, làm mòn men răng và gây tổn thương răng đáng kể. Ngà răng dễ bị vi khuẩn tấn công hơn gây bệnh sâu răng.
– Rối loạn ăn uống
Chán ăn hoặc chứng cuồng ăn đều tác động đến sức khoẻ răng miệng, làm xói mòn và sâu răng nghiêm trọng. Axit dạ dày do nôn nhiều lần có thể hòa tan men răng. Rối loạn ăn uống cũng cản trở quá trình sản xuất nước bọt.
– Chải răng không đúng cách
Đánh răng hằng ngày không thường xuyên, cẩn thận và tỉ mỉ sẽ khó loại bỏ sạch các mảng bám. Khi đó vi khuẩn tích tụ ngày càng nhiều cũng là lúc sâu răng hình thành.
– Không nhận đủ florua
Florua được biết đến là khoáng chất tự nhiên có thể ngăn ngừa sâu răng, hạn chế tổn thương răng giai đoạn sớm. Tuy nhiên nếu bạn chọn kem đánh răng thiếu hoạt chất này thì việc bị sâu răng sẽ khó tránh khỏi.
– Vết trám lâu ngày
Sau một thời gian trám răng, vết trám thường yếu đi, bắt đầu bị phá vỡ hoặc phát triển các cạnh gồ ghề. Chúng tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ dễ dàng và khó loại bỏ hơn.
Các biến chứng của bệnh sâu răng
Nhiều người nghĩ sâu răng chỉ là bệnh nhẹ nên thường chủ quan, lơ là. Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, sâu răng nguy hiểm và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và lâu dài. Ví dụ như:
– Tình trạng đau nhức răng kéo dài khi ăn uống.
– Bị áp xe răng
– Xuất hiện tình trạng sưng hoặc có mủ xung quanh răng.
– Bị hư hỏng, thậm chí là gãy răng và mất răng vĩnh viễn.
– Bị sút cân hoặc gặp các vấn đề dinh dưỡng do khó khăn khi ăn hoặc nhai.
– Trong 1 số ít trường hợp, áp xe răng- một túi mủ do nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Điều trị sâu răng tại nhà bằng mẹo dân gian
Sử dụng các mẹo dân gian bằng nguyên liệu quen thuộc vẫn được nhiều người tin tưởng lựa chọn để giảm đau và ngăn ngừa tình trạng sâu răng tại nhà.
– Chữa sâu răng với muối
Muối có khả năng sát khuẩn, làm sạch khoang miệng, giảm đau và ê buốt hiệu quả, đồng thời còn tăng cường khả năng chữa lành cho cơ thể.
Cách thực hiện: Bạn chỉ cần hoà 2- 3 thìa café muối hạt với nước ấm vừa đủ. Súc miệng hoặc ngậm nước muối này trong khoảng 30 giây. Cuối cùng súc miệng lại cùng nước sạch.
– Chữa sâu răng với tỏi và gừng
Tỏi và gừng là hai gia vị quen thuộc trong gian bếp nhà mình. Chúng có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn cao. Đặc biệt trong tỏi chứa hoạt chất Allicin với khả năng giảm đau và ức chế vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
Cách thực hiện: Bạn làm sạch vỏ gừng và tỏi theo tỷ lệ 1: 1. Sau đó giã nhỏ với chút nước. Dùng bông tăm thấm vào vị trí bị sâu răng. Để khoảng 1 phút rồi súc miệng lại với nước sạch.
– Chữa sâu răng với đinh hương
Trong đinh hương chứa hoạt chất Eugenol có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.
Cách thực hiện: Bạn dùng bông gòn sạch thấm vào tinh dầu đinh hương. Sau đó chấm lên vùng răng bị sâu. Để khoảng 1 phút rồi súc miệng lại với nước sạch.
– Chữa sâu răng với lá bạc hà
Nếu trong nhà có sẵn một ít cây bạc hà, bạn đừng bỏ qua công thức dưới đây. Tinh dầu trong lá bạc hà cho khả năng kháng khuẩn và làm dịu cơn đau răng hiệu quả, nhanh chóng.
Cách thực hiện: Bạn lấy 1 nắm lá bạc hà, rửa sạch, xay nhuyễn. Sau đó lấy nước cốt rồi ngậm trong khoang miệng khoảng 1 phút. Cuối cùng súc miệng lại với nước sạch. Hoặc còn một cách khác là bạn đun lá bạc hà với chút muối và dùng nước này súc miệng hằng ngày.
– Chữa sâu răng với lá ổi
Lá ổi chứa các hoạt chất kháng khuẩn có khả năng giảm sưng viêm, đau nhức, ngăn ngừa vi khuẩn sâu răng hiệu quả.
Cách thực hiện: Bạn chuẩn bị vài lá ổi non, rửa sạch với nước muối loãng. Sau đó nhai từ tư lấy nước. Giữ chặt phần bã ở vị trí răng sâu khoảng 5 phút rồi nhổ ra. Cuối cùng súc miệng kỹ bằng nước sạch.
– Chữa sâu răng với lá trầu không
Trầu không là thảo dược có tính ấm, chứa nhiều tinh dầu với khả năng sát khuẩn, kháng viêm, giảm đau và đẩy lùi được triệu chứng của bệnh sâu răng.
Cách thực hiện: Bạn rửa sạch 2- 3 lá trầu không. Thái nhỏ rồi đem giã nát với chút muối. Thêm 10ml rượu vào hỗn hợp này. Sau đó vắt lấy nước cốt và dùng bông sạch chấm vào vị trí răng bị sâu vài lần mỗi ngày.
– Chữa sâu răng với lá tía tô
Theo nghiên cứu, trong lá tía tô có chứa Perillaldehyd với khả năng diệt khuẩn, giảm sâu răng hiệu quả. Ngoài ra chúng còn giúp loại bỏ tình trạng hôi miệng.
Cách thực hiện: Bạn lấy 1 nắm lá tía tô sạch. Ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút. Sau đó đem giã nát hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn. Bạn vắt lấy nước cốt lá tía tô, bôi lên chỗ bị sâu răng, có thể đắp cả bã để tăng thêm hiện quả điều trị. Để khoảng 10 phút rồi nhổ ra và súc miệng lại với nước sạch. Hoặc cách khác là bạn đun sôi lá tía tô với khoảng 400ml nước. Lọc lấy nước, cho thêm 1 thìa café muối. Sau đó chờ nguội và súc miệng sạch là được.
– Chữa sâu răng với phèn chua
Phèn chua cũng là nguyên liệu bạn có thể sử dụng để sát trùng, diệt khuẩn những vi khuẩn gây sâu răng một cách an toàn tại nhà. Bên cạnh đó, nó còn giúp cầm máu chân răng, ngăn sưng nướu, giảm hôi miệng hiệu quả.
Cách thực hiện: Bạn hoà tan 10g phèn chua với 100ml nước ấm. Sau đó sử dụng hỗn hợp này để ngậm và súc miệng trong vòng 15 phút. Tiếp đến là súc miệng lại với nước sạch. Bạn áp dụng mẹo này mỗi ngày từ 3- 4 lần là được.
– Chữa sâu răng với lá lốt
Trong lá lốt chứa hoạt chất Benzyl Axetat cũng cho khả năng tiêu diệt vi khuẩn sâu răng, giảm đau nhức chân răng và nhiễm trùng nướu.
Cách thực hiện: Bạn rửa sạch 1 nắm lá lốt. Sau đó xay nhuyễn với 1 cốc nước và nửa thìa muối ăn. Tiếp đến dùng nước cốt này súc miệng ngày 2 lần/ngày.
Điều trị sâu răng tại nha khoa
Khi đến nha khoa, bác sĩ sẽ thăm khám cẩn thận tình trạng răng sâu của bạn, đồng thời lên phương án điều trị phù hợp nhất.
– Điều trị sâu răng bằng Florua
Nếu phát hiện sâu răng ở giai đoạn đầu, việc điều trị bằng florua có thể khôi phục men răng và ngăn ngừa sâu răng tiến triển thêm.
– Điều trị bằng cách hàn trám răng
Trám răng áp dụng trong trường hợp răng bị sâu nhẹ, mới hình thành các lỗ đen trên mặt răng, chưa ảnh hưởng đến các răng khác. Bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu trám chuyên dụng để tạo hình miếng trám, bù đắp lên phần mô răng còn khuyết thiếu sau khi nạo bỏ tổ chức sâu răng, viêm nhiễm. Vật liệu trám thường là Composite, Amalgam hoặc Fuji, tuy nhiên được sử dụng nhiều nhất là composite vì có màu sắc tương đồng như màu sắc răng thật, có độ chịu lực khá cao, không gây hại cho sức khỏe của bệnh nhân. Tuổi thọ miếng trám răng có thể duy trì 3-5 năm mà không bong bật, đảm bảo ăn nhai tốt.
– Điều trị bằng cách bọc răng sứ cho răng sâu
Trường hợp bị sâu răng nặng, chân răng hoặc tuỷ răng bị chết, không thể chữa được, bác sĩ sẽ làm sạch phần sâu răng bên trong. Sau đó trám bít ống tuỷ, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập trở lại. Tiếp đến, bác sĩ tiến hành mài bớt phần cùi răng làm trụ đỡ cho mão sứ. Mão sứ này được chế tác đúng theo mẫu dấu hàm của bệnh nhân nên hoàn toàn sát khít với răng thật, có công dụng bảo vệ chiếc răng thật khoẻ mạnh. Ưu điểm của răng sứ khi bọc cho răng sâu là đảm bảo tính thẩm mỹ tốt, chức năng ăn nhai thoải mái, răng không bị ê buốt, nhạy cảm.
Đừng bỏ qua: Mài răng bọc sứ có ảnh hưởng gì không?
– Điều trị bằng cách nhổ răng và phục hình răng
Nếu trường hợp răng sâu chết tuỷ quá nặng, không thể bọc sứ, bác sĩ sẽ buộc phải nhổ bỏ răng sâu để chúng không ảnh hưởng đến răng lân cận. Sau đó, bạn có thể chọn cách phục hình răng như làm cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant. Điều này tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ răng miệng và khả năng tài chính của mỗi người.
Mách bạn cách phòng ngừa sâu răng tốt nhất
Sâu răng tuy là bệnh lý mà hầu như ai cũng mắc phải, tuy nhiên mỗi người đều có thể phòng tránh một cách dễ dàng từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.
– Chăm sóc răng miệng cẩn thận
Trước tiên, bạn chuẩn bị một chiếc bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, lông mềm mại. Nếu thích hiện đại hơn thì mua bàn chải điện với nhiều tính năng khác nhau. Tiếp đến là sử dụng kem đánh răng có chứa Florua nồng độ thích hợp. Bạn đánh răng cẩn thận cả mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai. Sau đó dùng thêm chỉ nha khoa, máy tăm nước để loại bỏ vụn thức ăn mắc lại trong kẽ răng. Cuối cùng, bạn dùng nước súc miệng chuyên dụng nhằm làm sạch triệt để vi khuẩn.
– Chế độ dinh dưỡng
Bạn nên ăn các thực phẩm có lợi cho răng chứa nhiều canxi, vitamin A, C, E, K, mangan, photpho. Ví dụ như sữa tươi, sữa chua, xương hầm, cà chua, đu đủ, cà rốt, cần tây, cá, trứng, thịt, trà xanh,… Trái cây và rau quả tươi làm tăng tiết nước bọt, cùng với café không đường, kẹo cao su không đường còn giúp làm sạch các mảnh thức ăn.
Bên cạnh đó, bạn nên giảm lượng đường tiêu thụ nạp vào cơ thể xuống dưới 10% tổng lượng calo nạp vào trong ngày. Không ăn đường trong 1 khoảng thời gian nhất định trong ngày giúp men răng có cơ hội tái khoáng hóa.
Bạn cũng hạn chế tối đa việc ăn vặt, nhấm nháp thường xuyên các loại thức ăn, đồ uống ngọt vì như vậy vi khuẩn có nhiều cơ hội sinh sôi hơn.
Bị sâu răng: Khi nào cần gặp nha sĩ?
Bạn cần hiểu khi bị sâu răng, răng sẽ rất khó lành trở lại mà ngày càng bị vi khuẩn tấn công mạnh mẽ hơn nếu không tìm cách điều trị dứt điểm. Đây cũng là lý do vì sao mọi người nên thường xuyên đi kiểm tra, khám răng định kỳ ngay cả khi chưa có dấu hiệu bị sâu răng. Nếu ở giai đoạn 1 sâu răng hơi khó phát hiện thì khi chuyển sang giai đoạn 2, thấy dấu vết răng chuyển màu nâu, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay. Điều này còn giúp ngăn chặn nhiều biến chứng nguy hiểm về sau như viêm tuỷ răng, áp xe răng, lây lan sang các răng khác,…
Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc liên quan đến vấn đề điều trị sâu răng, vui lòng liên hệ HOTLINE 093.186.3366 – 086.690.7886 hoặc đăng ký tư vấn (không mất phí) với bác sĩ nha khoa Thúy Đức để được hỗ trợ sớm nhất ĐĂNG KÝ